Tháng 5 năm 2025, Synology sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trong lĩnh vực lưu trữ mạng bằng việc ra mắt NAS DS1825+, phiên bản nâng cấp từ DS1821+ vốn đã được ưa chuộng từ năm 2021. Cả hai thiết bị đều thuộc dòng NAS 8-bay của Synology, hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, DS1825+ được cải tiến với nhiều tính năng mới. Trong bài viết này, Mstar Corp sẽ so sánh chi tiết DS1825+ và DS1821+ để giúp bạn nhận thấy sự thay đổi trong định hướng phần cứng của Synology.
So sánh phần cứng DS1825+ vs DS1821+
Cả Synology DS1825+ và DS1821+ đều được trang bị bộ vi xử lý AMD Ryzen V1500B 4 nhân 8 luồng, tốc độ 2.2GHz. Đây là bộ vi xử lý đã quá quen thuộc trong các dòng NAS tầm trung của Synology. Đây là bộ vi xử lý được đánh giá cao về hiệu năng đa nhiệm, tiết kiệm điện năng và độ ổn định, đặc biệt phù hợp với môi trường có nhiều người dùng truy cập đồng thời, hệ thống máy ảo và các cấu hình RAID phức tạp.
Việc giữ nguyên bộ vi xử lý trên thiết bị tiền nhiệm sẽ gây thất vọng cho một số người dùng đã kỳ vọng một cú nhảy vọt về hiệu năng CPU trên DS1825+. Tuy nhiên, nếu bạn cần một thiết bị NAS ổn định, tiết kiệm điện và tương thích tốt với các nền tảng ảo hóa như VMware, Hyper-V hay Docker thì NAS Synology DS1825+ vẫn là lựa chọn đáng tin cậy.
Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa DS1825+ vs DS1821+ là RAM cơ bản. DS1821+ chỉ có RAM cơ bản 4 GB, trong khi DS1825+ đã được nâng lên gấp đôi với RAM cơ bản 8 GB. Đây là một cải tiến rõ rệt cho những người dùng thường xuyên chạy nhiều dịch vụ DSM cùng lúc như Synology Drive, Surveillance Station hay Virtual Machine Manager. Cả DS1825+ và DS1821+ đều hỗ trợ nâng cấp tối đa 32 GB RAM (2 x 16 GB).
Tuy nhiên, với 8 GB ban đầu, đa phần người dùng DS1825+ sẽ không cần nâng cấp thêm trong giai đoạn đầu triển khai. Việc cả hai đều sử dụng bộ nhớ ECC cũng là một điểm cộng lớn, giúp giảm thiểu lỗi dữ liệu ngầm. Điều này rất quan trọng khi vận hành hệ thống chứa dữ liệu nhạy cảm hoặc máy ảo.
![]() |
![]() |
Tóm lại, khi so sánh phần cứng của DS1825+ vs DS1821+ thì NAS DS1825+ có lợi thế hơn nhờ dung lượng RAM cơ bản gấp đôi, tối ưu điện năng tốt hơn và sẵn sàng vận hành nhiều dịch vụ DSM mà không cần nâng cấp thêm. Với những người dùng đang cần triển khai NAS cho văn phòng nhỏ, studio hay doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là điểm rất đáng cân nhắc.
So sánh DS1825+ vs DS1821+: Cổng kết nối
Khác biệt rõ rệt giữa DS1825+ và DS1821+ nằm ở cổng kết nối mạng. Thiết bị tiền nhiệm DS1821+ được trang bị 4 cổng mạng 1GbE RJ-45, hỗ trợ link aggregation giúp tăng băng thông tổng lên đến 4Gbps, phù hợp với hệ thống switch hỗ trợ tính năng này. Tuy nhiên, trong các tác vụ hiện đại như truy xuất dữ liệu lớn, backup tốc độ cao hoặc xử lý file video RAW, chuẩn 1GbE ngày càng thể hiện rọ giới hạn.
Trong khi đó, DS1825+ chuyển sang cấu hình 2 cổng mạng 2.5GbE RJ-45, mang lại băng thông tối đa lên đến 5Gbps khi gộp cổng. Dù ít cổng hơn nhưng mỗi kết nối mang lại băng thông lớn hơn, phù hợp với xu hướng mạng hiện đại trong các hệ thống văn phòng nhỏ hoặc môi trường làm việc đa người dùng. Cả hai model đều có khe cắm PCIe, cho phép nâng cấp thêm card mạng 10GbE hoặc 25GbE khi cần mở rộng băng thông.
Về khả năng mở rộng, DS1821+ sử dụng 2 cổng eSATA, chuẩn cũ nhưng quen thuộc, để kết nối với thiết bị mở rộng DX517. Trong khi đó, DS1825+ đã thay thế bằng 2 cổng mở rộng USB-C, hỗ trợ kết nối với thiết bị mở rộng DX525, hướng tới trải nghiệm kết nối gọn nhẹ, hiện đại hơn và tiềm năng băng thông cao hơn. Tuy nhiên, DS1825+ cũng giảm số lượng cổng USB 3.2 Gen 1 từ 4 xuống còn 3. Đây là điểm cần lưu ý nếu bạn có nhiều thiết bị USB ngoại vi.
DS1821+ sử dụng 2 cổng eSATA kết nối với DX517 | DS1825+ sử dụng 2 cổng USB-C kết nối với DX525 |
![]() |
![]() |
Tóm lại, khi so sánh DS1825+ vs DS1821+ về cổng kết nối, NAS DS1825+ phù hợp với xu hướng hiện đại hóa do ít cổng hơn nhưng tốc độ và hiệu năng cao hơn, phù hợp với hệ sinh thái phần cứng và mạng mới. Với người dùng yêu cầu tốc độ truyền tải cao và khả năng mở rộng trong dài hạn, DS1825+ là lựa chọn hợp lý hơn so với DS1821+.
Khả năng lưu trữ: Khác biệt về khả năng tương thích
Cả DS1821+ và DS1825+ đều sở hữu 8 khay ổ đĩa mặc định, có khả năng thay nóng để dễ dàng bảo trì. Khi sử dụng 2 thiết bị mở rộng Synology DX525, thiết bị có thể nâng tổng số ổ đĩa khả dụng lên 18 ổ, đáp ứng nhu cầu lưu trữ lớn như media, giám sát hoặc dữ liệu doanh nghiệp. Hai thiết bị cũng hỗ trợ nhiều cấp độ RAID (SHR, RAID 5, 6, 10), mang lại sự linh hoạt trong cấu hình hệ thống.
Một điểm nâng cấp đáng chú ý ở DS1825+ là thiết bị hỗ trợ tạo pool lưu trữ trên khe M.2 NVMe tích hợp, điều mà thiết bị tiền nhiệm không làm được. DS1821+ có hai khe M.2 chỉ dùng để cache, đồng thời cho phép dùng SSD bên thứ ba. Trong khi đó, DS1825+ cho phép tạo pool bằng SSD M.2 nhưng chỉ hỗ trợ dòng SSD của Synology, hạn chế sự lựa chọn phần cứng.
Không chỉ vậy, Synology DS1825+ còn siết chặt khả năng tương thích với ổ cứng của bên thứ ba. Người dùng không thể khởi tạo hệ thống DSM hay mở rộng pool nếu ổ đĩa không nằm trong danh sách tương thích. Hiện tại, danh sách tương thích của DS1825+ chỉ có các ổ cứng của Synology, đồng nghĩa hệ thống đã loại bỏ hoàn toàn việc hỗ trợ ổ đĩa của bên thứ ba. Ngược lại, DS1821+ vẫn cho phép dùng ổ cứng của bên thứ ba. Dù hệ thống sẽ hiển thị cảnh báo nhưng không chặn hoàn toàn tính năng. Điều này đặc biệt quan trọng với người dùng đã có sẵn ổ cứng hoặc muốn tận dụng nhiều dòng ổ cứng khác nhau.
Tóm lại, DS1821+ vẫn là lựa chọn linh hoạt hơn cho người dùng có sẵn ổ đĩa hoặc thích có đa dạng lựa chọn ổ cứng. Trong khi đó, DS1825+ phù hợp với những ai muốn triển khai hệ thống đồng bộ hóa, sử dụng hoàn toàn phần cứng từ Synology để đảm bảo hiệu năng và tính ổn định cao.
Phần mềm của DS1825+ và DS1821+
DS1821+ và DS1825+ đều chạy hệ điều hành DiskStation Manager (DSM) 7.2, cung cấp đầy đủ các công cụ quản lý tập tin, sao lưu, giám sát, ảo hóa và đồng bộ đám mây. Các ứng dụng như Synology Drive, Synology Photos, Hyper Backup hay Active Backup for Business đều hoạt động mượt mà trên cả hai thiết bị, cho phép người dùng xây dựng hệ thống lưu trữ riêng tư, thay thế các dịch vụ đám mây công cộng.
Tuy nhiên, sự khác biệt phần cứng tác động trực tiếp đến hiệu năng thực tế. DS1825+ được trang bị sẵn 8 GB RAM ECC, tối ưu cho các tác vụ đồng thời như Snapshot Replication, Virtual Machine Manager,… Trong khi đó, DS1821+ chỉ có 4 GB RAM mặc định, có thể cần nâng cấp RAM nếu triển khai cho nhiều người dùng hoặc sử dụng nhiều ứng dụng DSM cùng lúc.
Về cấu trúc volume, DS1821+ hỗ trợ tới 64 volume với dung lượng tối đa mỗi voulme là 108TB, đáp ứng yêu cầu phân tách khối lượng công việc rõ ràng như trong các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều nhóm người dùng. Trong khi đó, DS1825+ giới hạn còn 32 volume nhưng hỗ trợ dung lượng tối đa mỗi volume lên đến 200 TB (khi nâng cấp RAM lên 32 GB). Điều này đáp ứng yêu cầu của môi trường có khối lượng dữ liệu lớn, liên tục như video 4K chưa nén, dữ liệu giám sát hoặc các tập tin thiết kế kỹ thuật số.
Một điểm đáng chú ý là khả năng di chuyển dữ liệu từ hệ thống NAS cũ. DS1821+ cho phép nhận diện và vận hành các ổ cứng từ dòng máy trước đó một cách mượt mà, chỉ hiển thị cảnh báo nếu ổ không nằm trong danh sách tương thích. Ngược lại, DS1825+ có chính sách ổ cứng tương thích nghiêm ngặt hơn. Vì thế, với ổ cứng từ NAS cũ, bạn vẫn có thể gắn volume cũ nhưng hệ thống sẽ liên tục hiển thị cảnh báo, hạn chế thao tác như rebuild RAID, mở rộng pool hay gán ổ hot spare nếu ổ đĩa không được xác minh chính thức.
Tổng thể, khi so sánh phần mềm trên DS1825+ vs DS1821+, DSM 7.2 vẫn là hệ điều hành với tính năng mạnh mẽ trên cả hai model. Tuy nhiên, DS1821+ mang lại trải nghiệm linh hoạt và dễ dàng mở rộng hơn, đặc biệt trong môi trường muốn sử dụng ổ đĩa từ các thương hiệu khác hoặc nâng cấp từ hệ thống NAS cũ. Trong khi đó, DS1825+ phù hợp hơn cho yêu cầu tiêu chuẩn hóa toàn bộ hệ sinh thái Synology, nhấn mạnh vào hiệu suất đồng bộ và tính nhất quán.
Kết luận
Cả DS1825+ vs DS1821+ đều là những thiết bị NAS Synology mạnh mẽ, phù hợp cho nhu cầu lưu trữ lớn, từ doanh nghiệp vừa đến các nhóm sáng tạo nội dung hoặc tổ chức cần quản lý dữ liệu tập trung. Nếu bạn vẫn đang phân vân lựa chọn thiết bị phù hợp hoặc cần tư vấn về cấu hình, khả năng mở rộng, cũng như cách triển khai giải pháp lưu trữ hiệu quả cho doanh nghiệp của mình, hãy liên hệ Mstar Corp – Nhà phân phối Synology hàng đầu Việt Nam. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xây dựng hệ thống lưu trữ tối ưu, an toàn và phù hợp với từng quy mô hoạt động.